Phát triển công nghiệp chế biến nông sản để tăng cường hội nhập

 

Phát triển công nghiệp chế biến được xác định là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thúc đẩy ngành nông nghiệp hội nhập kinh tế toàn cầu.

Hơn 10 năm qua công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 5-7%, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hiệu quả hoạt động của ngành và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổKim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD, trong đó cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ... là những mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch trên 2 tỷ USD.

 

 

 

Hệ thống công nghiệp chế biến nông sản đã được hình thành và phát triển với hơn 7.500 doanh nghiệp, công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến hiện đại mang tầm khu vực và thế giới, như: Chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra... Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã quan tâm và triển khai dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, như Tập đoàn TH, MASAN, NAFOODS, DOVECO, LAVIFOOD…

Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam hiện nay, nhìn chung về tổng thể vẫn còn gặp nhiều khó khăn về trình độ công nghệ, năng lực chế biến. Cơ giới hoá, tự động hóa còn hạn chế, năng suất thấp, giá thành sản xuất và tổn thất sau thu hoạch cao. Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, thiếu cơ sở và công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là cao điểm của mùa vụ. Trong đó, các mặt hàng rau quả, thịt, khối lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 8-10% sản lượng hằng năm. Với mặt hàng mía đường, lúa gạo, cà phê, rau quả, thủy sản… không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ nên tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Nông sản Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu ở dạng thô, tươi, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu còn thấp, tỷ lệ xuất khẩu rau quả chế biến của nước ta chỉ chiếm chưa tới 19% mặt hàng rau quả. 

Chế biến đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền nông nghiệp. Ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu thì các sản phẩm chế biến có thời gian bảo quản lâu dài nên giảm được tổn thất khi chưa thể xuất khẩu ngay. Phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp các sản phẩm nông sản thâm nhập các thị trường lớn, nhất là khi phần lớn các rào cản thuế quan của nhiều mặt hàng nông sản chế biến được dỡ bỏ theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030

Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Để đạt mục tiêu nói trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ triển khai đồng thời nhiều giải pháp trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Chuyển dịch, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản: Điều chỉnh phân bố các cơ sở chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng trên phạm vi toàn quốc; Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản: Xây dựng Chiến lược phát triển chung về công nghiệp chế biến nông sản và các Đề án phát triển chế biến các ngành hàng có tiềm năng về sản xuất và thị trường tiêu thụ để định hướng lâu dài cho doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển mạnh những ngành hàng này; Đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi đối với từng địa bàn có tính đặc thù của các vùng, miền và ngành hàng.

Phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản: Phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong việc kết nối theo chiều dọc giữa người sản xuất nguyên liệu – nhà chế biến và người tiêu dùng; đồng thời kết nối giữa các cơ sở chế biến nông sản với nhau theo chiều ngang để tạo ra cơ chế phối hợp hoạt động theo tín hiệu thị trường. Xây dựng và hình thành các cụm nghiên cứu - đào tạo - sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái, xây dựng các mô hình trình diễn về công nghiệp chế biến và cơ giới hoá đồng bộ sản xuất nông nghiệp./.

Nguồn:  http://vukehoach.mard.gov.vn/News.aspx?id=2571

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN