Đầu tư công nghệ và chế biến sâu: Chìa khóa vào thị trường EU cho nông sản

 

Khu vực Tây Nguyên hiện đang giữ vai trò quan trọng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam gồm cà phê, ca cao, cao su, hạt điều…., EVFTA được kỳ vọng sẽ là động lực để doanh nghiệp đầu tư công nghệ, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Xuất khẩu vẫn chủ yếu ở dạng thô

Tây Nguyên hiện là vùng trồng cây nông sản lâu năm lớn nhất Việt Nam. Trong đó, riêng cà phê chiếm 97% diện tích của các nước, năng suất cà phê robusta gấp 3 lần bình quân của thế giới; hồ tiêu chiếm 82% diện tích cả nước, cao su chiếm gần 44%, hạt điều chiếm gần 25%.... Từ nhiều năm nay, xuất khẩu nông sản là ngành kinh tế chủ lực và ngành hàng xuất khẩu chủ đạo của các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, do không có sự thay đổi về cơ cấu thị trường các mặt hàng chủ lực, tỷ lệ xuất khẩu hàng thô vẫn chiếm tỷ trọng cao nên chưa tạo ra được hàm lượng giá trị gia tăng cao và chưa hình thành được chuỗi sản xuất sâu. 

 

Tây Nguyên chiếm 97% diện tích cà phê của cả nước cùng nhiều loại cây nông sản lâu năm chủ lực

 

Đơn cử như tại Đắk Lắk, mặc dù là “cứ điểm” xuất khẩu cà phê của cả nước đến gần 80 quốc gia, tuy nhiên, dạng hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là cà phê ở dạng thô (cà phê nhân). Ước tính, tỷ lệ cà phê chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao hiện mới chỉ chiếm khoảng hơn 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân xuất khẩu. Hiện giá cà phê nhân xô vào khoảng 32-34 triệu đồng/tấn (mức giá trung bình cà phê nhân tháng 6/2020), tuy nhiên, nếu đầu tư chế biến sâu thì giá trị xuất khẩu của mặt hàng cà phê thành phẩm có thể gấp tới 2 - 2,5 lần giá nhân xô. Điều này cũng tương tự với hạt tiêu, mủ cao su.

 

Xuất khẩu nông sản tại Tây Nguyên hiện mới chủ yếu ở dạng thô nên hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện mới chỉ chú trọng vào sản xuất, chưa chú trọng đầu tư nhiều cho mảng đầu ra của sản phẩm nên chưa chú ý đến quy trình bảo quản, mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… Cũng chính vì vậy, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với nông sản Tây Nguyên hiện vẫn còn bỏ ngỏ, trên thực tế, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Tây Nguyên chưa thực sự “mặn mà” với việc tìm hiểu các FTA hay tự mình thay đổi để thích ứng và tận dụng các FTA mà chủ yếu chọn cho mình cách dễ hơn là xuất khẩu truyền thống.

Chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm

Với việc Quốc hội chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mở ra cánh cửa lớn cho nhiều ngành hàng xuất khẩu mà trong đó nông sản được đánh giá là có nhiều cơ hội hơn cả. Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, đối với ngành hàng nông sản, EVFTA chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ và sở hữu trí tuệ, vì vậy, ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm thì việc bảo hộ và phát triển các chỉ dẫn địa lý là cần thiết, cấp bách.

 

Để tận dụng EVFTA, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Tây Nguyên đang chuyển hướng sang chế biến sâu

 

“Hiện cà phê Buôn Ma Thuột đã xây dựng chỉ dẫn địa lý. EVFTA được thông qua đồng nghĩa với việc các thành viên của EU công nhận các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó có chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế quan trọng đối với ngành hàng bởi việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ở nước ngoài tốn rất nhiều chi phí và thời gian”, ông Minh nói và cho biết, sắp tới, hiệp hội sẽ trình các cấp có thẩm quyền thay đổi phương thức cấp quyền chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, mở rộng quy mô, chủng loại sản phẩm được cấp quyền để tạo sự lan tỏa, quảng bá từ sản xuất đến tiêu thụ.

Tuy nhiên, với những đòi hỏi nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì việc làm sao để tận dụng được các ưu đãi trong EVFTA là không hề dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp Tây Nguyên. Vì vậy, việc đầu tư công nghệ, gia tăng hàm lượng chế biến sâu là hướng tất yếu doanh nghiệp cần thực hiện nếu muốn tận dụng được các cơ hội hiệp định này mang lại.

Ông Nguyễn Xuân Lợi - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư, tư vấn và phát triển cà phê An Thái (Đắk Lắk) - cho biết, hiện công ty đang tập trung phát triển các mặt hàng nông sản chế biến sâu. Trong đó, cà phê là mặt hàng chủ đạo với các sản phẩm cà phê nhân, rang xay và hòa tan. Số lượng, chủng loại của cà phê hướng đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau về mặt địa lý cũng như gu thưởng thức khác biệt của mỗi người. Vì giá thành cao nên các sản phẩm cà phê chất lượng cao ngoài in các thông tin cơ bản trên bao bì, nhãn mác còn gắn truy xuất nguồn gốc tận từng vùng nguyên liệu; đây là những sản phẩm đạt các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường xuất khẩu và có thể hưởng các chính sách thuế quan ưu đãi khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cơ hội để các Sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, trong bối cảnh hiện tại, ngành Công Thương tỉnh chú trọng cung cấp thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới để các DN xuất khẩu nắm rõ. Đồng thời, sở tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh và các ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

Các Sở Công Thương tại Tây Nguyên đề nghị được hỗ trợ hơn nữa từ phía Bộ Công Thương trong khâu thông tin các tiêu chuẩn và xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường

Còn ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum - nhận định, EVFTA là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Hiện Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phân công cho các Sở ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận được thị trường xuất khẩu.

Để khai thác lợi thế hàng nông sản, Sở Công Thương đặc biệt chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về truy xuất nguốc gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất theo các tiêu chuẩn của EVFTA. Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) (Bộ Công Thương) để tìm cơ hội xuất khẩu cho sâm Ngọc Linh (Kon Tum) sang EU.

“Hiện cà phê Kon Tum nói riêng, của Tây Nguyên nói chung còn đang xuất khẩu ở dạng thô là chủ yếu. Vì vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Cục XTTM, Cục Xuất nhập khẩu, các thương vụ ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin cụ thể yêu cầu của từng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn từng thị trường cụ thể, từ đó sẽ có cơ sở điều chỉnh quy trình sản xuất, công nghệ cho phù hợp”, ông Nhất cho hay và đề xuất Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo cho từng ngành hàng cụ thể (theo ngành dọc) để các doanh nghiệp của ngành hàng có sự điều chỉnh trong quy trình sản xuất.

“EVFTA là cơ hội, điều kiện để doanh nghiệp có sự điều chỉnh, và cũng là cơ hội để các Sở, ngành phát huy vai trò của mình hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ hiệp định”, ông Nhất nhấn mạnh.

 Nguồn: https://congthuong.vn/

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN